Chữ viết Lưỡng Hà


      Chữ viết ở Lưỡng Hà đầu tiên do người Xume sáng lập vào cuối thế kỷ IV TCN. Trong thời kỳ đầu, chữ viết của Lưỡng Hà cũng là chữ tượng hình. Ví dụ, muốn viết các chữ “chim, cá, lúa, nước” thì vẽ hình con chim, con cá, bông lúa, làn sóng. Dần dần, các hình vẽ được đơn giản hóa, tức là không phải vẽ toàn bộ sự vật mà chỉ vẽ một bộ phận tiêu biểu mà thôi. Ví dụ: chữ “trời” chỉ vẽ một ngôi sao, chữ “bò mộng” chỉ vẽ một cái đầu bò với hai cái sừng dài.

      Trên cơ sở chữ tượng hình, để biểu thị các khái niệm, động tác… người ta phải dùng phương pháp biểu ý. Ví dụ: muốn viết chữ “khóc” thì vẽ con mắt và nước, “đẻ” thì vẽ chim và trứng, “bò rừng” thì vẽ bò và núi. Lúc đầu, hình cái cày vừa có nghĩa là cái cày, lại có nghĩa là người cày. Để phân biệt, bên cạnh hình cái cầy có thêm hình gỗ thì có nghĩa là cái cày, bên cạnh hình cái cày có thêm hình người thì tức là người cày.
      Người ta còn dùng hình vẽ để mượn âm thanh. Ví dụ: muốn viết âm “xum” thì vẽ bó hành, vì bó hành có âm là “xum”. Các hình vẽ chỉ âm tiết còn kết hợp với một số hình khác để phân biệt các khái niệm. Ví dụ: hình bàn chân kết hợp với âm tiết NA là “đi”, hình bàn chân kết hợp BA là “đứng”. Chữ hài thanh còn dùng để biểu đạt nhiều loại từ khác như giới từ, phó từ… Nhờ có chữ hài thanh, số chữ tượng hình càng ngày càng ít đi. Lúc đầu có khoảng 2000 chữ, nhưng đến thời Lagat (thế kỷ XXIX TCN) chỉ còn lại khoảng 600 chữ.
      Chất liệu dùng để viết là các tấm đất sét còn ướt và những cái que vót nhọn. Viết trên đất sét chỉ thích hợp với những nét thẳng và ngắn; vì vậy, những nét dài được thay thế bằng những nét ngắn và nét cong thì thay bằng nét thẳng. Ví dụ: Cái đầu bò được thay bằng một hình tam giác đỉnh chúc xuống dưới, phía trên có hai đoạn thẳng biểu thị hai cái sừng. Đồng thời, do dùng que viết trên đất sét nên chỗ mới ấn vào thì nét to, chỗ rút bút ra thì nét nhỏ, do đó các nét đều giống hình cái nêm. Do sự bố trí khác nhau của các nét ấy mà tạo thành các chữ khác nhau. Loại chữ này được gọi là chữ tiết hình tức là chữ hình nêm.
      Tổng số chữ tiết hình không đến 600 chữ, trong đó dùng chỉ có 300 chữ, nhưng mỗi chữ thường có vài nghĩa.
     Chữ tiết hình cũng do người Xume phát minh, về sau, người Accat, người Babilon, người Atxiri và các tộc khác ở Tây Á cũng dùng chữ tiết hình để viết ngôn ngữ của mình. Đến khoảng năm 1500 TCN, chữ tiết hình thành văn tự ngoại giao quốc tế, ngay Ai Cập khi ký điều ước hoặc các văn kiện ngoại giao cũng dùng loại chữ này. Về sau người Phêxini và người Ba Tư đã cải tiến chữ tiết hình thành vần chữ cái. Tuy nhiên, ở Lưỡng Hà, các tăng lữ, quan tòa và nhà chiêm tinh vẫn dùng chữ tiết hình đến trước, sau công nguyên mới bị chữ phiên âm hoàn toàn thay thế.
      Lúc đầu, chữ tiết hình được viết từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Về sau, vì viết như thế có một điều bất tiện là khi viết đến dòng thứ hai thì tay xóa mất dòng thứ nhất vừa viết, vì vậy người ta đổi thành cách viết từ trái sang phải và theo hàng ngang, đồng thời mỗi chữ cũng quay 90 độ. Sau khi viết xong quay tấm đất sét lại thì vẫn thành viết từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Nếu sách gồm nhiều trang thì mỗi tấm phải có tên sách và số trang, đồng thời đầu trang sau phải nhắc lại dòng cuối cùng của trang trước. Sau khi viết xong, muốn bảo tồn lâu dài thì cho vào lửa nung. Loại “giấy” này có ưu điểm là không bị mục nát, mối mọt, không bị cháy, nhưng lại có khuyết điểm là dễ vỡ và quá nặng. Một quyển sách 50 trang thì phải nặng đến 50 kg. Ngày nay, ở Ninnivơ – kinh đô của Atxiri ngày xưa đã phát hiện được trên 20.000 tấm đất sét như vậy, kể cả ở các nơi khác đã phát hiện được mấy trăm ngàn tấm.
      Từ cuối thế kỷ XVIII, một học giả Đan Mạch tên là Cacxten Nibua bắt đầu nghiên cứu cách đọc chữ tiết hình trên một minh văn do thương nhân Ý đưa từ Ba Tư về châu Âu nhưng chưa thành công. Năm 1802, một giáo viên trung học người Đức tên là Grotefend đã đọc được hai đoạn minh văn. Grotefend đã đọc được 12 chữ trong bảng vần chữ cái của Ba Tư, về sau được chứng minh là 9 chữ cái trong số đó hoàn toàn chính xác. Như vậy, Grotefend đã đặt cơ sở cho việc đọc chữ tiết hình.
        Năm 1835, nhà du lịch người Anh Rawlinson phát hiện được một bản minh văn khắc trên vách đá, cao 4m, dài 20m, gồm 400 hàng. Ông đã bỏ ra mấy năm để chép bản minh văn ấy. Việc đọc chữ tiết hình được tiến triển thêm một bước.
       Năm 1857, bốn độc giả đã độc lập nghiên cứu nhưng đã cùng đọc được một đoạn minh văn chữ tiết hình Atxiri. Vì vậy, năm này được coi là năm khai sinh môn Atxiri học. Từ đó, cả kho tàng tư liệu của khu vực Lưỡng Hà thuộc các lĩnh vực văn học, lịch sử, pháp luật, kinh tế, khoa học… được dịch ra ngôn ngữ hiện đại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét