Pho sử thi Ramayana





Ramayana
Valmiki viết sử thi Ramayana

Pho sử thi Ramayana – Câu chuyện tình bất hủ của Ấn Độ cổ đại

       Ramayana (Kỳ tích của Hoàng tử Rama) là bộ sử thi lớn thứ hai, sau Mahabharata của Ấn Độ cổ đại và cũng trở thành Thánh Kinh đối với người Ấn Độ từ ngàn xưa.
Cùng với Mahabharata, sử thi Ramayana ngót ba nghìn năm nay đã đi vào tâm hồn người Ấn Độ như nguồn tri thức bất tận, như nền tảng của Đạo lý của dân tộc Ấn Độ.
     Ramayana về khối lượng với chỉ bằng ¼ số trang so với Mahabharata  và khác xa Mahabharata về phong cách và nội dung. Trong Ramayana tuy cũng có nhiều đoạn ghép nối, nhưng ngắn hơn nhiều và chủ yếu mang tính chất luận lý. Rõ ràng, phần chính của Ramayana là tác phẩm của một tác giả và gần với phong cách thơ ca cổ điển bằng tiếng Phạn của Ấn Độ sau đó. Ramayana chứa đựng ít yếu tố cổ hơn so với Mahabharata  và gây ấn tượng như một tác phẩm ra đời muộn hơn; trong khi đó Mahabharata  có những tình tiết như câu chuyện về Nala lại chứng tỏ tác giả- người hoàn thiện cuối cùng của Mahabharata biết khá rõ về Ramayana. Do đó các nhà nghiên cứu cho rằng bản Mahabharata hiện được biết ra đời muộn hơn so với Ramayana, nhưng nội dung của Mahabharata là nói về một thời kỳ cổ xưa hơn so với nội dung của Ramayana.
      Các truyền thuyết cho rằng tác giả của Ramayana là nhà hiền triết Valmiki sống vào khoảng thế kỷ VI-V trước C.N. Văn bản học hiện nay của Ramayana, trừ phần đầu và phần cuối xét về nhiều mặt, đã được hoàn thiện vào thế kỷ I tr.C.N. Không gian trung tâm của toàn bộ sử thi Ramayana là Agôdhia, thủ đô của quốc gia cổ Kôsala ở phía Bắc sông Hằng.
       Vua nước Kôsala là Đasaratha có bốn người con trai do ba bà vợ sinh ra; những người con trai đó tên là Rama, Bhrata, Lacsmana và Satruyna. Cả bốn anh em cùng tới triều đình vua Janaka tham gia cuộc thi bắn cung kén chồng cho công chúa. Rama chiến thắng và giành được nàng Sita làm vợ. Rama cùng vợ là nàng Sita sống hạnh phúc trong hoàng cung của vua Cha và được vua Cha tuyên bố chọn làm Hoàng thái tử. Thế rồi, bà vợ hai Kailaay sực nhớ tới lời hứa của chồng sẽ làm bất cứ điều gì bà muốn và buộc vua Đasaratha phải đầy Rama vào rừng và đưa con trai của mình là Bharata lên làm Hoàng thái tử. Vua Đasaratha và Bharata không muốn điều đó, nhưng Rama tự nguyện đi lưu đầy cùng vợ và em trai Lacsmana  để vua Cha thực hiện lời hứa của mình. Khi vua Đasaratha qua đời, Bhrata lên ngôi nhưng chàng luôn coi mình là người trợ giúp cho Rama mà thôi.
      Trong khi đó Rama, Sita và Lacsmana sống cuộc đời khổ hạnh trong khu rừng Đanđaca. Tại đây chàng giết nhiều quỷ dữ đến quấy phá cuộc sống của các nhà tu hành. Quỷ Ravana, vua xứ Lanka quyết trả thù cho bầy tôi quỷ của mình đã bị Rama giết chết. Một hôm, khi  Rama và Lacsmana đi săn, quỷ Ravana biến thành một nhà tu hành tới bắt Sita đem về Lanka. Hai an hem bổ đi tìm nàng ở khắp nơi. Được sự giúp đỡ của chúa khỉ Sugriva và đặc biệt là viên tướng khỉ Hanuman, Rama đã biết được vợ mình bị bắt và hiện đang ở đâu. Đoàn quân khỉ khổng lồ giúp Rama bắt một chiếc cầu đá qua biển tới Lanka. Sau một trận chiến đẫm máu, Rama, Lacsmana cùng liên quân của mình đã chiến thắng Ravana và giải phóng được Sita.



Rama
Rama giết quỷ vương Ravana
      Mặc dù trong suốt thời gian bị gian cầm, quỷ Ravana không cách nào mua chuộc hoặc đụng đến nàng Sita. Thế nhưng, sau bao gian nan vất vả cứu được nàng Sita, Rama nghi ngờ long chung thủy của vợ. Để chứng minh cho sự trong trắng của mình, nàng Sita đã tự lên dàn hỏa thiêu. Song thần lửa Agni không tiếp nhận nàng vì nàng vô tội. Sau thử thách đó, Rama mới yên tâm và trở về đô thành Agôđhia. Bhrata trả lại ngôi báu cho anh mình và Rama lên ngôi vua trị vì đất nước.
Đoạn cuối của sử thi rõ ràng là đã thêm thắt vào phần kết. Do vậy nội dung của phần này không ăn nhập gì với nội dung chính cũng như toàn văn của các phần trên. Đoạn cuối kể tiếp về cuộc đời bất hạnh của nàng Sita sau khi trở về Agodhia. Tuy đã chứng minh được sự trong trắng của mình, nàng Sita vẫn bị dân chúng nghi ngờ và ghét bỏ. Mặc dầu rất tin vợ, nhưng để được lòng dân, Rama buộc phải đuổi nàng Sita ra khỏi hoàng cung. Người vợ chung thủy đó đã tìm đến ở nhờ một nhà đạo sĩ Vanmiki. Và tại đây, nàng sinh ra hai người con trai song sinh là Kusa và Lava. Năm tháng qua đi, trong buổi tế ngựa, đạo sĩ Vanmiki đưa hai chàng thiếu niên tới, trước mọi người đọc bản trường ca Ramayana do mình sang tác. Rama nhận ra hai người con của mình và cho người đi đón vợ về. Lúc này, tuy đã được minh oan, nhưng vì quá buồn phiền, nàng Sita kêu cầu mẹ mình là nữ thần Đất đón mình trở về long đất. Đất nứt ra và nàng Sita biến mất. Sau sự việc đó, Rama cũng trở về trời và hiện nguyên hình là thần Vishnu.
      Sử thi Ramayana là một tác phẩm văn học vĩ đại của đất nước Ấn Độ ca ngợi những con người trong sạch và nồng cháy yêu thương. Rama nổi lên như một vị anh hung lý tưởng và thánh thiện, Sita không chỉ hiện lên như một vẻ đẹp tuyệt vời của đóa hoa trắng trong mà còn mà là hình ảnh của người phụ nữ Ấn Độ tiêu biểu: thủy chung, dũng cảm và cao thượng. Tướng khỉ Hanuman trung thành và dũng mãnh… Chính vì lẽ đó, đến những thế kỷ sau, Ramayana đã chuyển dịch ra nhiều thứ tiếng địa phương của Ấn Độ và đã là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều tác phẩm thơ ca, kịch, họa , điêu khắc. Sử thi Ramayana không chỉ được phổ cập rộng rãi ở Ấn Độ mà còn có ảnh hưởng lớn với các quốc gia Đông Nam Á. Tại Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam… các di bản  của sử thi Ramayana từ lâu đã được dân chúng yêu mến.
      
      “ Laskamana ơi, anh không thể sống thêm nữa một khi mà không có người đẹp”, “ giá bây giờ, anh tìm ra Sita rồi cùng nhau ở trên bờ hồ Pamba thì thôi, anh chẳng khao khát gì Ayodhia hoặc cõi trời…Anh sẽ chỉ sung sướng nếu tìm ra được Sita. Chỉ lúc đó anh mới muốn sống thôi em ạ’’. “đối với anh, cảm thấy được sống với Gianaki trên cõi trần thế này như thế là đủ, chẳng cần gì hơn”.
      “ Để trả thù sự lăng nhục, ta đã làm những gì mà con người phải làm…phải biết chắc điều này, chẳng phải là vì nàng mà ta đã đạt tới chỗ kết thúc chiến tranh…ta làm như thế là vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục vì uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của mình”.
  

      “Ta chỉ thuộc về một người, như ánh sáng thuộc về một trời vậy, người đó là Rama!”
“Hỡi Laskmana, em hãy chuẩn bị cho chị một giàn hỏa thiêu. Với nông nỗi đáng buồn hiện nay, đó là phương thức duy nhất cho chị. Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng đã ruồng bỏ chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa”.
      “Nếu con trước một lòng một dạ với Rama thì cúi đầu xin thần tìm cách bảo vệ con. Rama đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối, nhưng nếu con trong trắng xin thần Anhi phù hộ con”. 

      Sita là một nhân vật hoàn hảo xứng đáng với lời ca ngợi của Rômetut: “ Trí tưởng tưởng và sáng tạo của con người Hindu không hình dung nhân vật nào cao nhã hơn và thiêng liêng hơn nàng Sita, văn chương nhân loại chưa từng sản sinh ra một lý tưởng nào cao hơn tình yêu nữ tính, sự thật nữ tính và lòng tận tâm nữ tính”. 
      Còn một nhà văn Ấn Độ lại nói: “ Nhìn thấy Sita đẹp và thiêng như bản thân cuộc sống, Sita thiêng liêng, toàn bộ cuộc đời của người thật là thiêng liêng…Người chính là đất đai. Người là ngọn nguồn cuộc sống, Người là bản thân cuộc sống và cũng như bản thân cuộc sống Người thật vô biên”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét